Tấm gương công tác hòa giải cơ sở ở thôn Hà Đông, xã Điện Hòa

     Đã nhiều năm nay, mỗi khi có bất cứ tranh chấp, khiếu kiện nào, người dân thôn Hà Đông, xã Điện Hòa lại tìm đến nhà Trưởng ban công tác Mặt trận Nguyễn Thị Thơm nhờ phân xử. Có được sự tín nhiệm ấy là bởi sự thấu tình, đạt lý ở một hòa giải viên giỏi.

      Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận – thành viên Tổ hòa giải thôn, bà Nguyễn Thị Thơm luôn trăn trở để có cách làm hiệu quả và sao cho người dân dễ tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Được biết, không chỉ là người rất tích cực tham gia và luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của thôn, bà Thơm còn rất tâm huyết với công việc hòa giải ở cơ sở. Bà Thơm tâm sự: “Phải là người trong cuộc mới hiểu hết được những cái khó trong việc vận động và hòa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường của người dân, mâu thuẫn xảy ra chỉ vì lời ăn tiếng nói chưa vừa lòng nhau, vì quan niệm sống, thói quen sinh hoạt khác biệt nhau giữa các thế hệ trong cùng gia đình; vì tranh chấp hàng rào, lối đi mà không giữ được bình tĩnh, xảy ra xô xát”.

    Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, bản thân bà Thơm đã dùng phương châm này để tham gia công tác hòa giải nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn thôn nơi mình sinh sống. Bà quan niệm, để hòa giải thành công, người cán bộ phải rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, đồng thời nắm chắc Luật để giải quyết sao có lý có tình thì người dân mới tin và nghe theo. Trong quá trình hòa giải, bà luôn kiên trì, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tự nguyện vọng của người dân, giải thích vụ việc một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật. Những trường hợp khó khăn, bà vận dụng nhờ đến người lớn tuổi, là trưởng các chi, ngành trong các dòng họ để can thiệp, có tiếng nói tác động đến con cháu. Nhờ vậy các vụ tranh chấp, mâu thuẫn cơ bản được giải quyết.

    Sau nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải ở thôn Hà Đông, bà Thơm cho rằng: “Hòa giải ở cơ sở thành công là nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của các hòa giải viên, sự đoàn kết, đồng lòng giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Phải có sự nêu gương của bản thân, làm đúng chức năng nhiệm vụ, đối xử công bằng giữa các bên liên quan.”

     Với những đóng góp của mình bà Nguyễn Thị Thơm đã được chính quyền địa phương khen thưởng nhiều danh hiệu, nhưng có lẽ với bà niềm vui lớn nhất là nhận được sự tin yêu, tín nhiệm tuyệt đối từ bà con và được nhìn thấy xóm làng mình ngày một đoàn kết, phát triển hơn./.

                                                                                      Diệu Hồng