Tìm hiểu về Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (kỳ 1)

Ngày 20/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 (gọi tắt là Luật PCTN năm 2018) thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11; Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng.

Luật PCTN năm 2018, gồm có 10 Chương và 96 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm được những nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018, từ tháng 8/2021, Phòng Tư pháp lên Kế hoạch, theo đó hàng tuần sẽ đưa ra Bộ câu hỏi – giải đáp để cùng tìm hiểu quy định của Luật này.

Câu 1: Luật PCTN năm 2018 áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào?

Điều 1, Luật PCTN năm 2018 quy định ngắn gọn và khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.

Luật PCTN năm 2018 áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước: bao gồm cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, tài sản công.

– Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Câu 2.Tham nhũng là gì?

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Câu 3. Những hành vi nào được xem là hành vi tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 2, Luật PCTN năm 2018 thì các hành vi sau đây là hành vi tham nhũng:

 1.Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2.Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Câu 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 4, Luật PCTN năm 2018 thì trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng như sau:

1.Cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;

c) Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng;

d) Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.

2.Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;

b) Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Câu 5. Công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong phòng, chống tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 5 Luật PCTN năm 2018 thì quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng như sau:

1.Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2.Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Câu 6. Những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng?

 Theo quy định tại Điều 8, Luật PCTN năm 2018 thì các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:

1.Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này.

2.Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

3.Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

4.Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Mục 2 Chương IX của Luật này.

Câu 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 70, Luật PCTN năm 2018 thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng

1. Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.

2. Gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.

3. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Điều 72 và Điều 73 của Luật này.

Câu 8. Trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 85 Luật PCTN năm 2018, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

1.Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

2.Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

3.Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng;

4.Tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng;

5.Hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng.

Câu 9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm gì trong phòng, chống tham nhũng?

Theo quy định tại Điều 74, Luật PCTN năm 2018 thì trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận qui định như sau:

1.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;

b) Động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;

c) Cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng;

d) Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

                                                                                                                                                     Tư pháp ĐB