NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH (KỲ 1)

  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14). Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm được những nội dung cơ bản của Luật số 67/2020/QH14. Từ giữa tháng 11/2021, hàng tuần Phòng Tư pháp sẽ đăng tải các điểm mới của Luật số 67/2020/QH14, cụ thể như sau:

1.Về giải thích từ ngữ (Khoản 1 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14)

Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi phần giải thích từ ngữ đối với “tái phạm” theo hướng tách bạch giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đồng thời bỏ quy định tính thời hạn tái phạm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cụ thể như sau:

Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt, cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

2.Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính (Khoản 2 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14)

– Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Quá trình thực hiện các quy định này gặp vướng mắc do các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần”. Do vậy, để khắc phục bất cập nêu trên, khoản 2 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 quy định cụ thể: trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

3. Về thẩm quyền quy định xử phạt (Khoản 3 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14)

Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung việc giao Chính phủ quy định về: Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trước đây chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định về hành vi vi phạm và xử phạt.

4. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 4 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14)

– Luật số 67/2020/QH14 bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với vi phạm về Hóa đơn.

– Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi quy định thời hiệu xử phạt 02 năm về thủ tục thuế thành: Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Luật số 67/2020/QH14 bổ sung cụm từ “,tổ chức” vào sau từ “cá nhân” tại điểm c khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC năm 2012

– Luật số 67/2020/QH14 bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC năm 2012 quy định thời điểm để tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong trường hợp cá nhân bị đề nghị cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu XLVPHC được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

5. Về những hành vi bị nghiêm cấm (Khoản 5 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14)

– Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

– Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

                                                                                                 Kim Tuyến

                                                                                                                                  

67_2020_QH14_373520