Hiệu quả từ mô hình “Tư vấn kết nối niềm tin” xã Điện Hồng

                                 Hiệu quả từ mô hình “Tư vấn kết nối niềm tin” xã Điện Hồng

  Xã Điện Hồng nằm về phía Tây của thị xã Điện Bàn, có địa hình tương đối bằng phẳng, ít chia cắt, được chia làm 13 thôn. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở xã luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong toàn xã, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; bên cạnh những thuận lợi, tại địa phương vẫn còn không ít khó khăn, đại bộ phận nhân dân sống bằng nông nghiệp, trình độ văn hóa không đồng đều nên việc tiếp nhận những văn bản pháp luật của Nhà nước còn hạn chế.

   Ngày 12/01/2023, UBND xã Điện Hồng xây dựng Kế hoạch số 03/KH-UBND về xây dựng mô hình “Tư vấn, kết nối niềm tin” nhằm kịp thời cung cấp những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trang bị những kiến thức về pháp luật liên quan đến quyền, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân nhằm  góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng phát triển, phòng ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

     Mô hình được thành lập với 09 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, Tổ Tư vấn đã tiến hành họp để thông qua kế hoạch hoạt động của từng năm với nhiệm vụ cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng thành viên. Trước mỗi đợt tổ chức triển khai, các thành viên họp bàn thống nhất nội dung, phân công từng thành viên chuẩn bị nội dung, dự kiến nơi tổ chức sinh hoạt hoặc qua công việc hàng ngày của từng thành viên, Tổ tư vấn nhận thấy ở lĩnh vực nào mà người dân quan tâm thì tập trung vào vấn đề đó. Ví dụ như khi người dân quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng chống bạo lực gia đình thì các thành viên trong Tổ phụ trách ở hai lĩnh vực liên quan như công chức Địa chính – xây dựng, công chức Tư pháp – Hộ tịch nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai.

     Từ khi thành lập, các thành viên Tổ tư vấn đã thực hiện tư vấn, giải đáp thắc mắc được 65 vụ, việc với 65 người yêu cầu bằng hình thức tư vấn miệng; tổ chức 04 buổi tuyên truyền tại 02 thôn Đa Hòa Bắc, Cẩm Văn Nam, Thôn Tư, Thôn Thanh An, xã Điện Hồng. Cùng với việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý qua các buổi sinh hoạt, trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn hằng ngày của thành viên Tổ tư vấn còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các nhiệm vụ chuyên môn cho người dân, hằng năm thành viên Tổ tư vấn được cử tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ do ngành cấp trên tổ chức, qua đó áp dụng có hiệu quả các kiến thức pháp luật vào hoạt động của Tổ.

       Bằng tinh thần trách nhiệm cao, cùng lòng nhiệt tình của toàn thể các thành viên Tổ tư vấn, được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của cấp trên và sự phối hợp, hỗ trợ của các thôn nên dù còn khó khăn về kinh phí, công việc chuyên môn của các thành viên khá bận rộn nhưng Tổ vẫn duy trì hoạt động ổn định, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền pháp luật, duy trì ổn định trật tự xã hội, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương.

                                            NGỌC ÁNH