Hỏi-đáp tình huống pháp luật

   Tình huống 1: Tỉnh C có quyết định tạm dừng một số hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh; trong đó có quy định tạm dừng hoạt động của quán karaoke, vũ trường, massage, internet công cộng, trò chơi điện tử. Trong thời gian thực hiện quyết định nêu trên, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện tại quán karaoke do Anh A làm chủ đang có 15 người hát karaoke. Hỏi hành vi của Anh A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

    Trả lời:

   Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

    Tình huống 2 : Anh A dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường. Hỏi hành vi của anh A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

     Trả lời:

      Tại điểm a, khoản 4, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

       Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

        Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:

       + Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

       + Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

      Tình huống 3: Chị X có hành vi đăng tải thông tin không đúng về dịch bệnh Covid -19 tại địa bàn xã X trên mạng xã hội facebook, việc đăng tải thông tin đã gây hoang mang dư luận. Hỏi hành vi của chị X thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

       Trả lời:

       Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định như sau:

        Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

        Ngoài hành vi bị phạt tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

       Tình huống 4: Anh A gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Hỏi hành vi của anh A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

          Trả lời:

          Tại điểm b, khoản 8, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

          Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

         Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.

       Tình huống 5: Anh A đang điều khiển xe ô tô đi trên đường. Cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ yêu cầu Anh A dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn; nhưng Anh A không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông. Hành vi của Anh A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

           Trả lời:

        Tại điểm b, khoản 10, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

         Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

        Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

         Tình huống 6: Chị A đang điều khiển xe đạp điện trên đường không đội mũ bảo hiểm. Hỏi hành vi của chị A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

         Trả lời:

          Tại điểm d, khoản 3, Điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

         Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

        Tình huống 7: Anh A và chị B đăng ký kết hôn năm 2007, năm 2009 có 01 con chung; đến năm 2010 ly hôn. Sau một thời gian, anh A quyết định về chung sống với hai mẹ con chị B, trường hợp này có phải đăng ký kết hôn không? Nếu không đăng ký kết hôn thì có được coi là vợ, chồng không?

        Trả lời:

         Theo Điều 9, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau:

         “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”.

         Theo quy định trên, anh A và chị B đã ly hôn nay muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn. Việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch thì không có giá trị pháp lý, theo đó, anh A và chị B về chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.

          Tình huống 8: Anh B kết hôn với chị A có đăng ký kết hôn, sau thời gian, chị A phát hiện anh B đang chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Hỏi hành vi của anh B có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

         Theo điểm b, Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bị xử phạt như sau:

         Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

         Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang có vợ của anh B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử  phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

         Tình huống 9: Ông A và bà B kết hôn với nhau. Trong một lần theo tàu đi biển đánh bắt cá, do tàu gặp nạn, nên gia đình không liên lạc được với ông B, đội tìm kiếm cựu nạn cũng không tìm được, mọi người trong gia đình đều nghĩ rằng ông và mọi người trên tàu đã chết. Thời gian sau, Bà B quen biết với ông C, hai người nảy sinh tình cảm. Bà B đã yêu cầu Tòa án tuyên bố ông A đã chết, sau đó kết hôn với ông C. Một ngày, ông A bỗng quay trở về và muốn yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố ông đã chết và xác lập lại quan hệ hôn nhân với bà B.

          Trả lời:

           Theo Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về như sau:

          Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn. Trong trường hợp có quyết định cho ly hôn của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình (trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn) thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

          Như vậy, do bà B vợ ông đã kết hôn với người khác nên quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

           Tình huống 10: Sau khi ly hôn, chị A được quyền nuôi 1 con nhỏ, còn anh B phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho các con theo quyết định của Toà án. Tuy nhiên, nhiều tháng qua anh B không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù chị A đã nhiều lần yêu cầu. Vậy hành vi của anh B có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

         Anh B không chịu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con theo quyết định của Toà án là hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

          Tại khoản 1, Điều 119, Luật Hôn nhân và gia đình quy định người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: “Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”

          Tại khoản 47, Điều 1, Bộ Luật Hình sự 2019 quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, như sau:

          “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

         Tình huống 11: Chị A làm việc trong Công ty K, đã tham gia đóng BHXH theo quy định, chị có thai đôi và đến ngày sinh con. Hỏi chị A và chồng được hưởng chế độ thai sản như thế nào?

        Tại khoản 1, Điều 34, Luật BHXH 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

         “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.”

         Như vậy, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chị A sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 7 tháng.

        + Tại điểm c, d, Điều Điều 34, Luật BHXH 2014 quy định lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

       “Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”

           Như vậy, người chồng được nghỉ 10 ngày làm việc hoặc 14 ngày làm việc tùy theo người vợ sinh thường hay sinh mổ.