I.Quy định pháp luật về một số trường hợp cho phép người dân cam đoan khi làm thủ tục đăng ký Hộ tịch, cụ thể:
1.Đăng ký khai sinh:
– Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch quy định: Người đi đăng ký khai sinh mà không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
– Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân thì phải có văn bản cam đoan về việc chưa đăng ký khai sinh.
– Điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định: Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh cam đoan về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh.
– Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ (Bản sao Giấy khai sinh; Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh theo quy định thì nộp đầy đủ bản sao các giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ theo quy định và cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có.
– Điều 4 và khoản 4 Điều 9 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: trường hợp giấy tờ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác minh, cơ quan công an trả lời không có thông tin hoặc sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký lại khai sinh lập văn bản cam đoan về thông tin của cha, mẹ và xác định nội dung khai sinh theo văn bản cam đoan.
2.Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân:
– Khoản 4 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ; Điều 4 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó không chứng minh được tình trạng hôn nhân của mình và công chức tư pháp – hộ tịch đã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó, sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cho phép người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình.
– Điều 4 và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh, trường hợp không xác minh được hoặc sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.
3.Đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: Khi yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con mà người yêu cầu không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
4.Bổ sung thông tin hộ tịch:
Điểm b khoản 3 Điều 18 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: trường hợp cá nhân đã được đăng ký khai sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh và không có Giấy chứng sinh, không có văn bản xác nhận của cơ sở y tế và người đó không có hồ sơ, giấy tờ cá nhân hoặc hồ sơ, giấy tờ cá nhân không có ngày, tháng sinh thì cho phép người yêu cầu cam đoan về ngày, tháng sinh.
II. Quy định pháp luật xử lý việc cam đoan không đúng sự thật:
– Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định:
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.
– Điểm a khoản 2 Điều 37; điểm b khoản 2 Điều 38; điểm b khoản 2 Điều 40; điểm b khoản 2 Điều 43; điểm a khoản 2 Điều 44 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cam đoan sai sự thật. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm cam đoan sai sự thật (khoản 4 Điều 37, khoản 4 Điều 38, khoản 4 Điều 40, khoản 4 Điều 43, điểm a khoản 5 Điều 44 Nghị định này).
III. Xử lý việc cam không đúng sự thật:
1. Lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người lập văn bản cam đoan không đúng sự thật theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Cơ quan đăng ký hộ tịch lập tờ trình đề nghị cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên trực tiếp thu hồi, hủy bỏ theo quy định tại Điều 70 Luật Hộ tịch để chấm dứt hệ quả pháp lý của các sự kiện hộ tịch đăng ký không đúng quy định.
Mỹ Phan