Ngày 21/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư 04/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Thông tư bao gồm 4 Chương, 11 điều và có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2021; có một số điểm mới sau:
1.Về xây dựng, ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật:
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của bộ, ngành, địa phương trước ngày 30 tháng 01 của năm kế hoạch, gửi về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp; UBND cấp huyện, UBND cấp xã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo thời hạn quy định tại Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND cấp trên trực tiếp, gửi về Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để theo dõi tổng hợp.
2.Về kiểm tra tình hình thi hành pháp luật:
Phạm vi trách nhiệm kiểm tra, nội dung kiểm tra, tổ chức thực hiện kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp.
3. Về thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật:
Trách nhiệm thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin của Bộ tư pháp và các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:
– Bộ Tư pháp thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước.
– Bộ, cơ quan ngang bộ thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
– Ủy ban nhân dân các cấp thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.
– Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, so sánh, đối chiếu và đánh giá thông tin về tình hình thi hành pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý.
– Trường hợp cần làm rõ tính chính xác, khách quan của thông tin đã được thu thập, tiếp nhận, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan; tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế (nếu thấy cần thiết).
4. Tăng cường công tác phối hợp và huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cơ chế cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật. Quy định cụ thể về các tiêu chuẩn của cộng tác viên, các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên và ký hợp đồng với cộng tác viên.
5. Về chế độ báo cáo: báo cáo định kỳ hằng năm; báo cáo tình hình xử lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo đột xuất, báo cáo theo chuyên đề về tình hình thi hành pháp luật và các phụ lục về biểu mẫu báo cáo ban hành kèm theo.
6.Thông tư này thay thế Chương 2, Chương 3 của Thông tư 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và khoản 2, Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
(Chi tiết kèm theo Thông tư số 04/2021/TT-BTP) VanBanGoc_TT 04.TT.BTP
Tổng hợp: Tư pháp ĐB