Trao đổi về trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực

Hiện nay việc xác định các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật (VB QPPL) hết hiệu lực được thực hiện theo Điều 154 Luật Ban hành VB QPPL và khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thực hiện đã phát sinh quan điểm, cách hiểu khác nhau về trường hợp thứ 4 quy định tại khoản 4 Điều 154.

Quy định của Luật, hướng dẫn của Nghị định

Thời điểm hết hiệu lực của văn bản được hiểu/xác định là ngày chấm dứt sự điều chỉnh của văn bản đối với các quan hệ xã hội mà nó quy định. Theo Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có 04 trường hợp VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần gồm: (i) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản. (ii) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng VBQPPL mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó. (iii) Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (iv) VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Trong 04 trường hợp nêu trên, tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL đã hướng dẫn rõ hơn về trường hợp thứ tư. Cụ thể, khoản 2 Điều 38 Nghị định 34 quy định về cách “xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực” trong 03 tình huống:
Thứ nhất, VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;
Thứ hai, trường hợp VBQPPL được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;
Thứ ba, trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều VBQPPL, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.
Các quy định này là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành rà soát, công bố tình trạng hiệu lực của VBQPPL.
Khác nhau về quan điểm tiếp cận, thực hiện
Đối với HĐND cấp tỉnh, với đặc thù là cơ quan được giao thẩm quyền quy định chi tiết nhiều vấn đề trong luật, nghị định, thông tư; đồng thời cũng là cơ quan có thẩm quyền quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù ở địa phương, cùng với việc xây dựng, ban hành nghị quyết QPPL thì công tác rà soát, xác định tình trạng hiệu lực pháp lý của các nghị quyết QPPL cũng được tiến hành thường xuyên.
Trong quá trình rà soát đã xảy ra trường hợp một nghị quyết QPPL được ban hành căn cứ vào nhiều VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên (luật, nghị định, thông tư,…) và một trong số các căn cứ pháp lý đó đã hết hiệu lực thì nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh có được xác định là hết hiệu lực hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi một trong số các căn cứ pháp lý để ban hành nghị quyết hết hiệu lực thì nghị quyết đó cũng đồng thời hết hiệu lực vì khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản QPPL đã quy định “VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
Quan điểm thứ hai thì khẳng định nếu thực hiện như quan điểm thứ nhất thì không chuẩn xác, bởi khi ban hành nghị quyết QPPL thì các căn cứ pháp lý được xác định sẽ gồm nhiều thành tố như: văn bản QPPL quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản; văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản. Trường hợp căn cứ pháp lý quy định chức năng cơ quan ban hành văn bản thay đổi nhưng nội dung đó không ảnh hưởng đến văn bản đang rà soát thì không thể áp dụng khoản 4 Điều 154 để kết luận văn bản đang rà soát hết hiệu lực.
Mặt khác điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 34 cũng đã hướng dẫn chi tiết. Theo đó, trường hợp trong số các VBQPPL làm căn cứ ban hành nghị quyết có VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên giao HĐND tỉnh quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm mà đến thời điểm rà soát văn bản giao đó đã hết hiệu lực thì nghị quyết HĐND quy định chi tiết thi hành đó đồng thời hết hiệu lực.
Ví dụ cụ thể: HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về phí, lệ phí để thực hiện thẩm quyền được giao theo Thông tư 250/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 85/2019/TT-BTC thay thế Thông tư 250/2016/TT-BTC thì nghị quyết HĐND tỉnh ban hành theo Thông tư 250 cũng đồng thời hết hiệu lực và HĐND tỉnh phải ban hành nghị quyết mới theo tinh thần Thông tư 85/2019.
Theo quan điểm người viết thì việc rà soát, xác định tình trạng pháp lý của nghị quyết HĐND theo quan điểm thứ hai sẽ thuyết phục hơn vì cả Điều 154 Luật Ban hành văn bản QPPL và điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016 đã xác định rõ “văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành điều, khoản điểm” chứ không đơn thuần “văn bản QPPL”.

                                                                                 theo https://dbnd.quangnam.gov.vn/