Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng

  Công văn số 5374/UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng

   Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận; nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đăng tải đã gây hiệu ứng truyền thông xấu, tạo điều kiện cho các tổ chức phản động lợi dụng xuyên tạc, bóp méo sự thật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Đáng chú ý, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp, khó lường với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây ra nhiều hậu quả xấu đối với xã hội.

    Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người dân chưa được tiếp cận, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác… bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại về tài sản và khiến người dân lo lắng.

     Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là: (1)Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan chức năng, người có sức ảnh hưởng… gọi điện hăm dọa bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định sau đó chiếm đoạt. (2)Lôi kéo đầu tư, kinh doanh chứng khoán, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, dự án bất động sản… với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít. (3)Tuyển cộng tác viên bán hàng online, nhận việc làm tại nhà, chốt đơn hàng, việc nhẹ, lương cao… dẫn dụ nạn nhân nộp tiền và chiếm đoạt. (4)Gửi các đường link giả mạo, giả tin nhắn nhà mạng, quảng cáo các trò chơi giải trí… để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sim điện thoại… thực hiện hành vi lừa đảo bạn bè, người thân. (5)Kết bạn làm quen, gợi ý gửi quà tặng và nhờ bị hại nhận, cất giữ; giả danh nhân viên hải quan, sân bay yêu cầu đóng phí và chiếm đoạt. (6)Dụ dỗ cho vay tiêu dùng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng; tuy nhiên để làm thủ tục nhận tiền thì phải đóng các loại phí và bị chiếm đoạt. (7)Lừa đảo cho số đánh lô đề; lấy lại facebook, tiền khi đã bị lừa. (8)Lừa đảo cuộc gọi Deepfake; khóa sim khi chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao; tuyển người mẫu nhí; combo du lịch giá rẻ không đồng; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; đánh cắp tài khoản để lừa đảo; đánh cắp thông tin Căn cước công dân để vay tín dụng; chuyển nhầm tiền vào số tài khoản …

 Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương:

  1. Tiếp  tục  quán  triệt,  thực  hiện  nghiêm,  hiệu  quả  Nghị  quyết  số  35- NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kế hoạch số 3914/KH-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị văn hóa ứng xử trên mạng xã hội; tầm quan trọng về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet; đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bạn bè, quần chúng nơi cư trú nắm, hiểu, chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục thực hiện “Tháng hành động tuyên truyền về nhận thức và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên các trang mạng xã hội và nhiều hình thức khác để người dân tiếp cận.

   2. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tăng thời lượng, tần suất phát các tin, bài, phóng sự tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, website, các trang fanpage, nhóm zalo, facebook… hướng đến mục tiêu phủ kín thông tin về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để chống Đảng, Nhà nước; phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet trên mọi hình thức.

    3. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; ngoài việc chỉ đạo các nhà mạng thường xuyên nhắn tin thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các thuê bao điện thoại, cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý số điện thoại chính danh, xóa bỏ các thuê bao “rác”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong xác minh địa chỉ IP thuê bao mạng.

    4. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt công tác mở tài khoản, nhất là mở tài khoản online; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong xác minh, phong tỏa tài khoản. Thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin cho cán bộ nhân viên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những giao dịch có dấu hiệu bất thường của khách hàng nghi liên quan đến lừa đảo.

     5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên tuyền đến tận thôn, làng, tổ dân phố… bằng nhiều hình thức phù hợp, tập trung tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan trên panô, áp phích được treo, dán tại Hội trường, nhà văn hóa, nhà rông…; tuyên truyền trên loa phát thanh, qua các buổi họp tổ dân phố, khu dân cư… phát tờ rơi đến từng hộ dân (thông tin tuyên truyền cần đảm bảo người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận).

    6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động an sinh xã hội để các cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên biết, cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm./.