Câu 1. Hỏi: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là gì?
Trả lời: Theo Điều 12 của Luật Căn cước quy định:
1.Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.
2.Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
3.Số định danh cá nhâncủa công dân Việt Nam dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
4.Chính phủ quy định việc xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.
Câu 2. Hỏi: Luật Căn cước quy định về Căn cước điện tử như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 31, Luật Căn cước quy định
1.Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.
2. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:
a) Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của Luật này;
b) Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
3.Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
4.Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
5.Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.
Câu 3. Hỏi:Luật Căn cước quy định về Giá trị sử dụng của căn cước điện tử như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 33, Luật Căn cước thì Giá trị sử dụng của căn cước điện tử được quy định như sau:
1.Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công,các giao dịch vàhoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
2.Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính,dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Câu 4. Hỏi: Căn cước điện tử bị khóa trong những trường hợp nào?
Trả lời: Khoản 1, Điều 34, Luật Căn cước quy định: Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
a) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
b) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
c) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
đ) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.
Câu 5. Hỏi: Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp nào?
Trả lời: Theo Khoản 2, Điều 34 Luật Căn cước thì Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
a) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;
b) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
c) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;
d) Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
Câu 6. Hỏi: Giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024; Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Khoản 2,3 Điều 46 Luật Căn cước quy định:
Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Câu 7. Hỏi:Cơ sở dữ liệu căn cước là gì?
Trả lời: Theo Khoản 7, Điều 3 Luật Căn cước quy định:
Cơ sở dữ liệu căn cước là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về căn cước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Câu 8. Hỏi: Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 15 Luật Căn cước quy định: Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước:
- Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này.
- Thông tin nhân dạng.
- Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay,mống mắt, ADN, giọng nói.
- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
- Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.
Câu 9. Hỏi: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 17, Luật Căn cước:
1.Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:
a) Chia sẻ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo quy định của Luật này;
b) Thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước;
c) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì phải chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh.
2.Người được giao nhiệm vụ cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin;
b) Giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.
3.Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức quản lý việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu;
b) Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.
Thuỳ Hương