CẠM BẪY “TÍN DỤNG ĐEN”

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn nổi lên tình trạng cho vay lãi nặng bằng hình thức “tín dụng đen” và đòi nợ thuê làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng tích cực tung ra nhiều chiêu trò mời gọi, lôi kéo mọi người vay “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ.

– Thủ đoạn của các đối tượng này là:

Cho vay tiền nhanh”, “không cần thế chấp”, “chỉ cần gọi điện thoại là có tiền”, “alo cho vay”, “Giải ngân sau 1 nụ cười”… kèm số điện thoại liên hệ là thủ đoạn quảng cáo phổ biến được các đối tượng nhắn tin vào điện thoại người dùng, ghi trên các tờ rơi dán tại các cột điện, tường nhà, hàng quán, thậm chí là đến từng hộ gia đình để phát tờ rơi, giới thiệu về dịch vụ. Để thêm phần hấp dẫn, nội dung vay được thỏa thuận bằng một bản hợp đồng đơn giản, có khi thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ kèm theo; khách hàng chỉ cần nộp giấy pho to chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu hay giấy tờ xe đang sở hữu, là có thể nhận được tiền một cách dễ dàng sau 10 đến 30 phút. Với tâm lý muốn được tiền nhanh, không phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, nhiều con mồi đã sập bẫy (ký hợp đồng/lấy tiền vay) trước khi nhận ra mức lãi suất thật sự của “tín dụng đen”.

                  Công an thị xã Điện Bàn bắt đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại phường Điện Dương

Đối với những “con mồi” còn chần chừ, muốn tìm hiểu mức lãi suất vay, đối tượng khéo léo đánh lạc hướng bằng cách: không quy định lãi suất mà quy định số tiền lãi phải trả hằng ngày (ví dụ: 1-2 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày), thậm chí “vay 0% lãi suất”. Đến đây, nếu không đủ hiểu biết hoặc tỉnh táo tính toán mức lãi suất vay thực chất, nhiều người sẽ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Cụ thể, lãi suất vay được các đối tượng tinh vi chuyển thành khoản phí ban đầu trừ thẳng vào khoản tiền khách vay và trong tiền lãi ngày. Thí dụ, để nhận tiền vay, khách hàng phải nộp trước tiền phí 10%/số tiền vay và góp tiền từ 12 đến 24 ngày. Suy ra, lãi suất hợp đồng cho vay tín dụng đen luôn ở mức từ 108%/năm trở lên tùy theo số tiền vay mượn, và trên thực tế các đối tượng thường cho vay với lãi suất từ 300%/năm trở lên (trong khi pháp luật quy định lãi suất cho vay không được quá 20%/năm).

– Một số vụ việc cụ thể.

Trường hợp anh H. (trú tại Điện Ngọc, Điện Bàn) cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, kinh doanh khó khăn nên khi thấy tờ rơi quảng cáo cho vay thủ tục đơn giản, anh đã liên hệ để vay tiền. Ban đầu anh vay 10 triệu nhưng chỉ nhận được 8,5 triệu đồng, do phải đóng phí 01 triệu đồng (10% tiền vay) và trả trong vòng 24 ngày, trong đó mỗi ngày trả 500.000 đồng. Như vậy, anh chỉ nhận 8,5 triệu nhưng sau 24 ngày số tiền anh phải trả là 12 triệu đồng, tính ra lãi suất anh vay lên đến 1,7%/ngày (620,5%/năm).

Hay như trường hợp chị G. (trú tại Điện Thọ, Điện Bàn), hợp đồng thoả thuận chị vay 06 triệu đồng, dù không bị tính phí ban đầu, nhưng phải trả mỗi ngày 600.000 đồng trong vòng 12 ngày. Nghĩa là trong 12 ngày mà tiền lãi của 6 triệu đồng là 1,2 triệu đồng, bình quân mỗi ngày chị G. phải trả lãi 100.000 đồng, tức lãi suất 1,7%/ngày (620,5%/năm). Trả được vài hôm, không có tiền để góp cho chủ nợ, chị tiếp tục vay dồn lên và cứ thế nợ nần chồng chất, dẫn đến không có khả năng chi trả.

Công an thị xã Điện Bàn bắt quả tang 2 đối tượng rải tờ rơi cho vay tại phường Vĩnh Điện

Hậu quả của việc vướng vào “tín dụng đen” không chỉ là mất tiền, mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ. Nhiều trường hợp không trả nợ đúng hẹn đã bị các đối tượng “xã hội đen” đòi nợ, xiết nợ bằng cách từ chửi bới đến quấy rối nơi ở, khủng bố cả người thân của “con nợ”. Có những người bị khủng bố bởi 200 số điện thoại khác nhau. Khi khủng bố điện thoại không có hiệu quả thì các app triệt để sử dụng mạng xã hội. Chúng cắt ghép toàn thể hình ảnh gia đình người vay đưa lên mạng, ghép đối với gái mại dâm hoặc các đối tượng phạm tội khác để làm nhục họ. Thậm chí con cái của người vay cũng không tha, chúng đưa lên ảnh thờ, khiến cho các cháu xấu hổ không dám đến trường. Có trường hợp cha đi vay tiền, con bị đưa lên bàn thờ bêu rếu trên mạng xã hội hết sức độc ác. Có những người không chịu nổi áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát.

– Những điều cần biết

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hoạt động cho vay dưới hình thức “tín dụng đen”. Cá nhân hay tổ chức có hành vi cho vay lãi nặng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để hợp thức hoá hoạt động phạm pháp của mình, các đối tượng thường núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ để đối phó với cơ quan chức năng và tiến hành các hoạt động cho vay không thế chấp, lãi suất cao. Hoặc sử dụng các ứng dụng vay tiền “siêu tốc” trên điện thoại (App).

Do đó, Công an thị xã Điện Bàn khuyến cáo, để bảo vệ quyền lợi của mình, mọi người không nên vay tiền của các đối tượng hay các App trên mạng xã hội có “thủ đoạn” cho vay như vừa nêu trên. Mà nên tiếp cận với các ngân hàng, quỹ tín dụng hợp pháp để làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Nếu phát hiện có đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, cần báo ngay với lực lượng Công an để có biện pháp xử lý, góp phần bảo vệ chính bản thân, gia đình và bảo đảm trật tự xã hội./.

                                                                                     Phan Thanh Hồng

                                                                                Nguồn: dienban.gov.vn