Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Nam đã xem xét 31 nội dung, ban hành 19 nghị quyết với nhiều điểm nhấn nổi bật về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Mỗi quyết sách được ban hành vừa thể hiện tính kịp thời của HĐND tỉnh trong đáp ứng nguyện vọng cử tri, nhân dân và thể chế hóa chủ trương cấp ủy đảng; đồng thời cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi đại biểu trong nỗ lực thực hiện chương trình hành động.
Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh đã biểu quyết thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh về không thu học phí học kỳ I năm học 2021 – 2022 đối với hơn 40.000 học sinh tại Điện Bàn, Hội An và học sinh ở các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 về học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù cho các cơ sở giáo dục khi không thu học phí như trên khoảng gần 14 tỷ đồng. Ngoài ra, theo diễn biến dịch bệnh, HĐND tỉnh cũng thống nhất giao Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định phạm vi, đối tượng, thời gian không thu học phí phù hợp, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất theo đúng quy định tại Nghị quyết 268/NQUBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với các quyết sách khác, quyết định nêu trên được đánh giá là kịp thời và nhân văn giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân vùng dịch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh yên tâm đến trường, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết về cải tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ giai đoạn 2022 – 2026 với tổng kinh phí thực hiện gần 204 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách gặp khó nhưng HĐND tỉnh vẫn dành nguồn lực cho Đề án này đã thể hiện sự thành kính, tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với nước, giáo dục truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.
Đồng bộ chủ trương tăng cường công an chính quy về xã
Từ tháng 3.2020, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, Công an Quảng Nam đã quyết liệt thực hiện và hoàn thành việc sắp xếp, bố trí hơn 1000 CBCS Công an chính quy về xã, đảm bảo 100% Công an các xã đều đủ từ 5 đồng chí trở lên. Đây là nỗ lực rất đáng kể của Công an Quảng Nam để đưa Công an chính quy về cơ sở. Hiện 203 xã trên toàn địa bàn tỉnh từ miền ngược đến miền xuôi đã có sự hiện diện của cán bộ Công an xã chính quy. Bám sát địa bàn, triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác, Công an xã đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Để đồng bộ trong thực hiện chủ trương tăng cường công an chính quy về xã, thị trấn, nhất trong điều kiện cơ sở vật chất, nhà làm việc nhiều nơi còn bất cập. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2021/NĐ-CP ngày 31.3.2021 quy định về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ khóa IX, HĐND tỉnh đã có chủ trương giao UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án trụ sở làm việc cho công an xã trình HĐND tỉnh quyết định theo thẩm quyền. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án đã được Công an tỉnh triển khai kịp thời, báo cáo xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất lộ trình phù hợp tình hình thực tiễn, khả năng đảm bảo nguồn lực.
Tại kỳ họp thứ 3, sau khi nghe Giám đốc Công an tỉnh trình bày Tờ trình đề nghị ban hành nghị quyết, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra, đa số đại biểu HĐND tỉnh đều thống nhất cao với việc dành nguồn lực gần 860 tỷ đồng đầu tư 204 trụ sở Công an xã, thị trấn theo 02 giai đoạn (2022-2026 và 2027-2030). Nguồn vốn đầu tư xây dựng được tính toán theo mức độ đảm bảo của tỉnh và ngân sách cấp huyện, cụ thể: Tam Kỳ, Hội An cân đối 100%; Điện Ban 50%; 6 huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc cân đối 30%; 9 huyện miền núi cân đối 20%.
Ngoài việc thống nhất thông qua đề án, HĐND tỉnh cũng lưu ý UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an. Nghiên cứu ban hành các thiết kế mẫu trên cơ sở xem xét kỹ về quy mô hạng mục đầu tư các công trình để đáp ứng yêu cầu công năng sử dụng phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, địa phương đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng và giảm thời gian thực hiện đầu tư các công trình. Thực hiện chặt chẽ phân kỳ đầu tư theo kế hoạch đầu tư công hàng năm đảm bảo phù hợp với nguồn vốn được bố trí. Trong điều kiện khả năng huy động nguồn thu gặp nhiều khó khăn, HĐND cũng giao UBND tỉnh theo dõi, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, Bộ Công an để lồng ghép cùng nguồn ngân sách địa phương triển khai thực hiện đề án đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, việc HĐND tỉnh thông qua Đề án ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa mới vừa tạo sự chủ động trong cân đối nguồn lực đầu tư theo kế hoạch trung hạn, vừa thể hiện tính đồng bộ trong thực hiện chủ trương tăng cường công an chính quy về xã.
Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại
Thực trạng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn cả về khách quan và chủ quan như hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên mới diện tích đảm bảo nguồn nước tưới thấp, dẫn đến năng suất cây trồng và giá trị kinh tế không cao. Nhu cầu đầu tư phát triển lĩnh vực KTV-KTTT trong nhân dân khá lớn. Tuy nhiên, năng lực vốn của chủ vườn, chủ trang trại còn yếu, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, thủ tục vay vốn phức tạp, mức vay chưa đảm bảo để đầu tư đồng bộ. Cạnh đó, tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ KTV-KTTT còn hạn chế; công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và phát triển các loại giống cây trồng, con vật nuôi còn bất cập ,… đã khiến KTV-KTTT của tỉnh mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp thêm cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trong nội dung Đề án trình tại kỳ họp, giai đoạn 2021 – 2025 tổng nguồn kinh phí phát triển KTV–KTTT khoảng 2.475 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhân dân hơn 2.025 tỷ đồng, vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách tỉnh gần 283 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện 34,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 132 tỷ đồng. Theo nội dung đã được các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tại kỳ họp phần lớn kinh phí từ ngân sách tỉnh và huyện đều ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển KTV-KTTT. Theo đó, ngoài các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành trước đây, thì chủ vườn, chủ trang trại được hỗ trợ 50% chi phí thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, tem điện tử với mức tối đa 5 triệu đồng/sản phẩm; tổng mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/chủ vườn và không quá 10 triệu đồng/chủ trang trại.
Về chính sách tín dụng, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí trả lãi suất tiền vay để đầu tư phát triển vườn, trang trại. Cụ thể đối với trang trại, hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tiền vay không quá 60% tổng vốn đầu tư cho trang trại, mức vốn vay tối đa được hưởng hỗ trợ là 1 tỷ đồng/trang trại; mức hỗ trợ là 50% tổng mức tiền lãi suất vay thực trả. Thời gian hỗ trợ tối đa từ 1 đến 3 năm tùy loại trang trại, cây trồng, con vật nuôi.
Ngoài ra, HĐND tỉnh còn quy định chính sách hỗ trợ kinh phí cho chủ vườn chỉnh trang, cải tạo vườn, mua giống cây trồng dài ngày, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ chủ trang trại kinh phí thiết kế và cải tạo mặt bằng, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất…
Nguồn: dbnd.quangnam.gov.vn