Hỏi-Đáp về Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (kỳ 1)

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Luật này gồm 05 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 1. Về cơ sở đề xuất xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Trả lời: 

a) Về quan điểm, chủ trương của Đảng (cơ sở chính trị):

– Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.

– Ngày 05/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51 về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã định hướng về việc xây dựng, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

– Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã định hướng về hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

– Ngày 17/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở (sau này được đổi tên thành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).

  b) Về cơ sở pháp lý: Được thể hiện ở 02 nội dung sau:

– Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải do Luật định. Do đó, việc xây dựng một đạo luật để điều chỉnh về hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp.

– Kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định về nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Theo đó, toàn quốc hiện có 70.867  Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về nhiệm vụ mà lực lượng này được thực hiện.

c) Về yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự: Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng nặng nề hơn; do đó, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. 
Câu 2. Việc xây dựng Luật có làm tăng số lượng tham gia hoạt động, làm tăng chi ngân sách nhà nước hay không?

Trả lời: 

–  Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động hiện nay có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố) để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở và kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối của các tổ chức ở cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước theo chủ trương chung hiện nay.

Câu 3. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là gì?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 2 của Luật quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu 4. Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Tại Điều 3 Luật này quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Trả lời:

Tại Điều 4 Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định 04 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm:

(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân;

(2) Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này;

(3) Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương;

(4) Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.