Ý nghĩa Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

     Cách đây 76 năm, ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới, đặt nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những giá trị cốt lõi tốt đẹp của bản Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát huy trong bốn bản Hiến pháp sau này là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.

     Với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó, ngày 09 tháng 11 đã được lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”   và đã chính thức được luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (ban hành ngày 02/7/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013), tại Điều 8 của Luật quy định như sau: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

     Như vậy, từ năm 2013, Ngày Pháp luật (9/11) trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là ngày hội sinh hoạt chính trị – pháp lý sâu rộng trong phạm vi toàn quốc, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm phát huy ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.

     Thông qua Ngày Pháp luật tăng cường nhận thức của Nhân dân về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế – xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đồng thời, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

    Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật – một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật.

     Ngày Pháp luật được tổ chức thực hiện như thế nào?

    Để việc thực hiện Ngày Pháp luật được thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 04/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (sau đây viết tắt là Nghị định số 28/2013/NĐ-CP), quy định một số nội dung liên quan đến “Ngày Pháp luật” như sau:

     Thứ nhất, về nội dung tổ chức “Ngày Pháp luật”, theo quy định của khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, “Ngày Pháp luật” được tổ chức với các nội dung:

     – Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; 

    – Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; 

     – Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

      – Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; 

     – Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; 

       – Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

    Thứ hai, về hình thức tổ chức, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP khẳng định “Ngày Pháp luật” được tổ chức dưới các hình thức sau:

      – Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; 

      – Thi tìm hiểu pháp luật; 

      – Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; 

      – Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

     Thứ ba, về chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động “Ngày Pháp luật”. Với mục đích khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động này, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, tổ chức tham gia công tác này tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2013/NĐ-CP

     Đồng thời nhằm xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, theo Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hội công chứng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia phổ biến giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức…

    Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm chỉnh “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”