Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở trên địa bàn xã Điện Hồng luôn được chú trọng; nhờ đó những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân kịp thời được giải quyết, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, giúp tình hình an ninh trật tự tại địa phương luôn ổn định, bà con an tâm lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh và sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Phòng Tư pháp thị xã Điện Bàn; UBND xã Điện Hồng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày… đã được các Tổ viên Tổ hòa giải ở các thôn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động Nhân dân, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Ông Thái Hữu Phú, Trưởng thôn, Tổ viên Tổ hòa giải thôn Cẩm Văn Nam, xã Điện Hồng đã tham gia hòa giải nhiều vụ việc có chia sẻ: “Bà con trong thôn nhiều khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng do không biết phân định đúng sai nên dẫn đến cãi vã rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng, nghĩa xóm… Một phần là do sự hiểu biết về pháp luật của họ còn hạn chế, mặt khác do bản tính nóng nảy và cái tôi của mỗi người nên đẩy mâu thuẫn đi xa hơn. Để hóa giải những mâu thuẫn, trước hết người làm công tác hòa giải phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật; đồng thời phải nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh”.
Hiện nay, toàn xã Điện Hồng có 13 Tổ hòa giải cơ sở tại 13 thôn với 69 hòa giải viên; số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải từ 5-6 người. Để nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, hàng năm, UBND xã tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Nhờ đó công tác hòa giải trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực; các tổ hòa giải ở địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả; các vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt…
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế – xã hội dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách, pháp luật mới, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Vì vậy, thời gian tới, UBND xã Điện Hồng tiếp tục tăng cường phối hợp với UBMTTQVN xã và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Ánh